Cuộc đời Dương_Ngung

Dương Ngung quê ở huyện Tương Dương, quận Nam, sau tách ra thành quận Tương Dương, Kinh Châu[lower-alpha 1], tính cách ngay thẳng. Dương Ngung là người cùng tộc với anh em Dương Lự, Dương Nghi.[1] Nhà của Ngung và Nghi nằm ở hồ Hồi (洄湖) thông với sông Miện. Nhà Dương Nghi ở đầu hồ, còn nhà Dương Ngung ở cuối hồ, đối xứng qua cù lao Thái Châu (蔡洲).[2]

Năm 211, Dương Ngung theo Lưu Bị vào đất Thục. Năm 214, Lưu Bị lấy được Ích Châu, lấy Ngung được phong làm Thái thú Ba quận.[1]

Năm 223, Thừa tướng Gia Cát Lượng khai phủ, bổ nhiệm Dương Ngung giữ chức Chủ bộ của phủ Thừa tướng. Trong thời gian này, Dương Ngung thấy Thừa tướng thường tự mình kiểm tra sổ sách, thẳng thắn khuyên bảo:[3]

Việc cai trị có thể chế, sao cho kẻ trên người dưới chẳng nên phạm lấn nhau, xin minh công hãy lấy việc trong nhà làm ví dụ. Nay có người sai gia nô cầm cày cấy lúa, con đòi lo việc thổi lửa nấu nướng, con gà giữ việc báo thức buổi sớm, con chó coi việc canh kẻ trộm, con trâu phụ trách chuyển chở nặng, con ngựa lặn lội đường xa, như thế việc riêng không sót, mà cái mà mình cần đều có đủ, ung dung ăn uống thôi, thốt nhiên một sớm muốn đem thần mình làm mọi việc, chẳng giao phó trách nhiệm cho người khác nữa, sức lực hao mòn, đó là việc tạp nhạp, mà đến nỗi hình sắc mệt mỏi thần trí khốn quẫn, cuối cùng việc chẳng thành. Há cái trí của người ấy chẳng bằng được gia nô, tôi đòi, gà, chó chăng? Đấy là làm mất phép tắc của gia chủ vậy.Thế nên cổ nhân nói rằng ngồi mà luận đạo gọi là Tam công, đứng ra mà làm việc gọi là Sĩ đại phu. Vậy nên Bỉnh Cát không hỏi đến người chết ở ngang đường mà lo con trâu thở dốc, Trần Bình không chịu tính xem sổ sách tiền lương, nói rằng tự có người lo việc ấy, những người ấy thành đạt là bởi có cách thức phân chia công việc vậy. Nay minh công xử lý chính vụ, lại tự thân tra xét sổ sách, mồ hôi vã suốt ngày, chẳng vất vả lắm sao![4]

Gia Cát Lượng tạ lỗi với Dương Ngung. Dương Ngung sau đó được giữ chức Đông tào chúc lo việc tuyển cử.[1]

Khoảng 228, Thừa tướng Gia Cát Lượng dẫn quân ra Hán Trung chuẩn bị Bắc phạt. Dương Ngung không lâu sau qua đời. Gia Cát Lượng vô cùng đau xót, khóc suốt ba ngày. Cùng thời gian này, Tây tào lệnh sử Lại Quăng cũng chết trẻ. Gia Cát Lượng viết thư cho Lưu phủ Trưởng sử, Tòng quân Trương Duệ, Tưởng Uyển, than rằng: Lệnh sử tổn thất Lại Quăng, duyện thuộc mất đi Dương Ngung, là tổn thất lớn của triều đình.[1]